DANH MỤC SẢN PHẨM

Những tiêu chí chọn mua ổ cứng thích hợp

0
Th 4 20/07/2016
Nội dung bài viết

Theo thời gian, nhu cầu lưu trữ dữ liệu của bạn ngày càng tăng lên. Đó là những bức ảnh, những bộ phim kinh điển hoặc rất nhiều phần mềm quan trọng của bạn… Bạn cần phải nâng cấp, mua thêm ổ cứng để lưu trữ dữ liệu.

Những chiếc ổ cứng đang có tốc độ phát triển khá nhanh trong thời gian gần đây. Với dung lượng lưu trữ lớn, tốc độ cao, dễ dàng kết nối, chia sẻ với thiết bị khác và tiện đem theo khi cần, những chiếc ổ cứng nay đã được cải thiện hơn, giá thành của chúng lại đang có xu hướng giảm và trở nên bình dân hơn. Vậy những tiêu chí nào giúp bạn chọn mua ổ cứng thích hợp?

Hãng sản xuất và độ bền của ổ cứng

Thị trường hiện nay có rất nhiều hãng sản xuất ổ cứng khác nhau như Sony, Apacer, Samsung, Buffalo, LaCie, Toshiba, Western Digital, Transcend, Seagate, HGST… Trong đó nổi lên các thương hiệu Western Digital (WD), HGST (công ty con của WD – trước là hãng Hitachi) hay Seagate được nhiều người dùng đánh giá cao về chất lượng và độ bền của sản phẩm. Đây cũng là các nhà sản xuất đã có mặt khá lâu và cũng đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường Việt Nam.


tieu-chi-chon-o-cung-theo-hang-va-do-ben

Hãng sản xuất và độ bền của ổ cứng

Mới đây, công ty dịch vụ đám mây Backblaze đã công bố bảng xếp hạng độ bền ổ cứng được sử dụng trên hệ thống của hãng này. Backblaze so sánh trên các loại ổ cứng thông dụng, được bán ra chủ yếu cho người dùng phổ thông. Bảng xếp hạng mới của Backblaze cho thấy trong 4 thương hiệu ổ cứng lớn hiện nay là Seagate, Western Digital, Toshiba và HGST thì ổ của HGST (thương hiệu con của WD) có tỉ lệ hư hỏng chỉ 1%, thấp hơn đáng kể so với các thương hiệu khác. Đứng sau HGST lần lượt là Toshiba, Seagate và Western Digital.



Thống kê độ bền ổ cúng theo hãng.

Thống kê độ bền ổ cúng theo hãng.

Dù xếp ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ hư hỏng lên tới gần 4% nhưng ổ cứng Seagate lại có một tính năng mà các thương hiệu khác không có: tự thông báo “cái chết” của mình thông qua SMART. Thống kê của Backblaze cho thấy ổ cứng có các mức dung lượng khác nhau sẽ có tỉ lệ hư hại khác nhau. Ví dụ, tỉ lệ hư hại của ổ cứng Seagate 2TB lên tới 10%, trong khi ổ cứng của HGST chỉ có tỉ lệ hư hại là 1,55% ở cung mức dung lượng.

Các tính năng nổi bật

Nếu có điều kiện, bạn nên chọn mẫu ổ cứng có thêm tính năng mở rộng để giảm khả năng rủi ro cho dữ liệu. Ví dụ như khả năng chống sốc, chống nước, chống bụi bẩn, vỏ bằng kim loại, vỏ bọc cao su và cơ chế bảo mật. Càng nhiều tính năng hỗ trợ thì ổ cứng càng đắt hơn.

Ví dụ dòng Rugged của LaCie có khả năng chống sốc với 4 lớp bảo vệ đạt tiêu chuẩn quân đội Mỹ 810-F, có thể chịu sức nặng hay lực va đập khi rơi ở độ cao 2m mà không ảnh hưởng. Cũng có thể đó là các dòng của Seagate có khả năng tự thông báo khả năng hỏng hóc với SMART hay chức năng Backup Plus có sẵn để sao lưu tự động dữ liệu…

Trong quá trình sử dụng, không hiếm gặp tình trạng ổ lưu trữ bị rơi hoặc va đập, do đó hãy ưu tiên chọn những mẫu ổ cứng có vỏ bằng cao su chống shock hoặc có vỏ ngoài chắc chắn, chịu lực tốt để hạn chế rủi ro với dữ liệu của bạn.

Loại ổ cứng và kiểu kết nối

Hiện có 3 loại ổ cứng di động dựa trên kích cỡ của nó gồm 3.5 inch, 2.5 inch và 1.8 inch. Loại kích cỡ 3.5 inch to và cồng kềnh nhất, mẫu ổ cứng này thường phải dùng dây nguồn riêng để cấp đủ năng lượng cho nó hoạt động kèm với dây kết nối dữ liệu. Loại thứ hai mỏng nhẹ hơn với kích thước 2.5 inch và là loại ổ cứng phổ biến nhất hiện nay. Loại thứ ba có kích thước nhỏ gọn nhất chỉ 1.8 inch. Hai mẫu ổ cứng gọn nhẹ này chỉ cần dùng một dây cáp đồng thời để truy xuất dữ liệu và cấp năng lượng.

tieu-chi-chon-o-cung-loai-o-cung

Chọn ổ cứng dựa vào loại ổ cứng và kiểu kết nối.

Đối với người dùng thông thường chỉ muốn sở hữu một ổ cứng với nhu cầu sao lưu cơ bản thì một thiết bị mỏng nhẹ, cơ động cùng một kết nối tốc độ cao thì loại ổ cứng kích cỡ 1.8 inch là phù hợp nhất. Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ thì mẫu ổ cứng 3.5 inch với khả năng lưu trữ lớn, có tính năng wireless, tính năng bảo mật và hoạt động bền bỉ sẽ là những yếu tố thu hút.

Xem thêm: Những quan niệm sai lầm về ổ cứng SSD

Như đã nói ở trên, những chiếc ổ cứng lớn cần phải có nguồn điện riêng để cung cấp cho nó thông qua dây dẫn. Hầu hết ổ cứng di động hiện nay chỉ sử dụng một dây cáp để kết nối dữ liệu đồng thời cấp nguồn điện. Tốc độ truy xuất dữ liệu của ổ cứng cũng là yếu tố quan trọng và nó được quyết định bởi một số yếu tố như: tốc độ vòng quay ổ đĩa (5400 – 7200 – 10000 rpm), chuẩn kết nối (USB 2.0, USB 3.0, FireWire, eSata, Thunderbolt, Ethernet)…

Từ năm 2012, giao thức USB 3.0 ra mắt trên laptop Windows báo hiệu thời đại của giao tiếp 2.0 lụi tàn, ít nhất hãy chọn ổ cứng di động có chuẩn giao tiếp 3.0 với tốc độ đọc/ghi dữ liệu nhanh hơn nhiều lần so với chuẩn 2.0 và chúng ta sẽ thấy sự khác biệt khi phải chia sẻ, backup lượng dữ liệu lớn. Với những thiết bị cũ dùng chuẩn USB 2.0, chuẩn giao tiếp 3.0 vẫn tương thích ngược tuy nhiên tốc độ truyền tải sẽ bị giảm xuống bằng mức USB 2.0. Ngoài ra còn một số chuẩn kết nối cũng nhanh hơn giao tiếp USB 2.0 là FireWire, eSata hay Thunderbolt. FireWire, thường được biết đến với tên gọi khác là IEEE 1394, cũng là cổng giao tiếp tốc độ cao cho cả Mac và PC. FireWire 400 có tốc độ truyền tải đạt 400 Mbps, FireWire 800 là 786 Mbps.

Nếu bạn sử dụng máy Mac của Apple, nên chọn ổ cứng hỗ trợ cổng giao tiếp Thunderbolt với tốc độ 10 Gbps, nhanh gấp 2 lần USB 3.0. Các dòng máy Mac như MacBook Air, iMac.. mới ra mắt nửa cuối năm 2011 đến nay đều có cổng Thunderbolt.

Dung lượng và giá cả

Hầu hết loại ổ cứng siêu nhỏ gọn 1.8 inch thường có dung lượng từ 250 GB trở xuống, phổ biến có 3 mức dung lượng là 120GB, 160GB và 250GB. Loại ổ cứng kích cỡ 2.5 inch thường có dung lượng từ 320GB đến 2TB trong đó phổ biến là dung lượng 320GB và 500GB. Các mẫu ổ cứng dung lượng khủng trên 2TB thường thuộc loại ổ cứng kích cỡ 3.5 inch.

Mức giá trung bình trên thị trường hiện nay khoảng 1,4 triệu đồng cho một ổ cứng di động dung lượng 500GB, khoảng 1,7 triệu đồng với dung lượng 1TB.  Ở mức dung lượng 2TB, giá cả có sự khác biệt rõ ràng hơn, ví dụ mẫu ổ cứng vỏ kim loại mỏng nhẹ (Passport Utral Metal) của Western Digital đắt hơn khoảng 500 nghìn so với với mẫu phổ thông (Elements) nhưng có thể đắt hơn đến 1 triệu đồng so với mẫu Canvio của Toshiba nhưng nó vẫn chưa là gì so với LaCie Rugged với mức giá khác biệt hẳn là gấp 2,5 lần giá trị của mẫu ổ cứng Passport Ultra.

Xem thêm: Thay ổ cứng laptop uy tín giá tốt tại Biên Hòa

Với cùng một mẫu mã, nhà sản xuất thì ổ cứng dung lượng càng cao giá tiền càng đắt (chưa kể đến những yếu tố: chất liệu, thiết kế…). Người sử dụng cần căn cứ vào mức độ lưu trữ dữ liệu và nhu cầu sử dụng, để chọn mua dung lượng phù hợp. Ví dụ những người yêu thích film chất lượng cao cần những ổ cứng dung lượng lớn, những người làm việc văn phòng đơn giản nhưng hay phải di chuyển thì chỉ cần một chiếc ổ cứng gọn nhẹ khoảng từ 160GB đến 320GB là thoải mái lưu trữ trong một thời gian dài. Nên chọn mức dung lượng lớn hơn nhu cầu hiện tại vì sẽ có những dữ liệu cần sao lưu phát sinh mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm: 

Viết bình luận của bạn
Nội dung bài viết